7 nguyên tắc cơ bản để bạn trở thành vị sếp tận tâm
Chính vì vậy mà một nhà lãnh đạo được coi là tận tụy khi họ biết cách ủy thác trách nhiệm cho những nhân viên dưới quyền và coi trọng yếu tố tinh thần của mỗi cá nhân trong
Thông qua sự lãnh đạo tận tụy, các nhà điều hành có thể xây dựng được sự gắn kết vững chắc trong công ty. Đây là một triết lý đã được kiểm chứng bằng thực tiễn. Nhiều nhà quản lý lựa chọn phương thức lãnh đạo dựa trên sự tận tụy của chính bản thân mình, sau đó mới tìm cách dẫn dắt để khơi dậy sự tận tâm của các nhân viên khác. Họ khuyến khích sự hợp tác, lòng tin, tính lo xa, khả năng lắng nghe và nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của quyền lực.
Trong một nền kinh tế hỗn loạn và biến chuyển không ngừng, các tổ chức và các công ty không những phải giữ được người tài mà còn phải biết cách khơi dậy và phát triển tài năng của họ. Các nhà lãnh đạo theo phương châm tận tụy đã chứng minh được phương pháp của họ là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì nhu cầu của những nhân viên dưới quyền và của con người nói chung là đều muốn được quan tâm, chăm sóc và chia sẻ. Cách lãnh đạo này đã kích thích và khơi dậy những tiềm năng của nhân viên và khiến họ làm việc ngày càng tốt hơn.
Như vậy, có thể hiểu sự lãnh đạo dựa trên nguyên tắc phục vụ tận tụy này đã không tác động trực tiếp lên hành động của các nhân viên, mà là tác động lên trạng thái suy nghĩ và tâm lý của họ. Nó được hình thành dựa trên những tác động qua lại giữa nhà lãnh đạo – nhân viên và mang tính triết học định hướng cho đội ngũ lao động những cách hành sử đúng đắn trong công việc, cũng như khơi gợi được lòng trung thành và tạo động lực cho họ phát triển.
Bảy nguyên tắc của sự lãnh đạo tận tụy
Để tạo ra một lực lượng lao động tận tụy, tận tâm với công việc, bạn phải đưa vào thực tiễn bảy nguyên tắc mang tính chất chỉ dẫn sau đây để kích thích tính nhạy cảm, phẩm chất trung thực và chính trực, cũng như ý thức cộng đồng ở trong công ty mình.
1. Hãy trở thành một người biết cách lắng nghe với thái độ tích cực
Nhà quản trị lừng danh Steven Covey đã từng có một lời khuyên rất thông minh như sau: “Hãy tìm cách hiểu người khác trước đã, sau đó mới mong người khác hiểu mình”. Như vậy, có thể xem khi trong công ty bạn xảy ra những xung đột, hay gặp phải tình huống bất thường nào đó, việc đầu tiên là bạn phải lắng nghe xem nhân viên của mình nói gì về nguyên nhân gây ra sự việc, cũng như cách đề xuất giải quyết vấn đề của họ.
Theo truyền thống, các nhà lãnh đạo thường rất coi trọng các kỹ năng giao tiếp và khả năng ra quyết định. Các nhà lãnh đạo tận tụy phải củng cố các kỹ năng quan trọng này bằng cách tạo ra một thói quen lắng nghe người khác với một thái độ tích cực. Họ phải tìm hiểu để xác định và phân biệt một cách rõ ràng ý chí hay nguyện vọng của từng nhóm nhân viên. Họ cần phải lắng nghe để lĩnh hội những gì đang diễn ra, đã được nói và chưa được nói ra từ phía các nhân viên của mình.
Bằng cách lắng nghe với mục đích và thái độ tích cực, những người nhân viên trong công ty bạn sẽ cảm thấy họ được thấu hiểu và có giá trị, đồng thời với cách này bạn cũng giúp họ không bị rơi vào trạng thái stress do áp lực của công việc tạo ra. Và như vậy, bạn cũng chứng minh được mình là những người biết cảm thông và có lòng trắc ẩn, biết cách hiểu những ngôn ngữ không lời, những lý tưởng và suy nghĩ đang được diễn ra trong nhân viên.
2. Hãy là một người biết đồng cảm và chia sẻ
Nhân viên của bạn có tin rằng bạn sẽ hiểu những gì đang diễn ra và tác động đến cuộc sống của họ như thế nào không? Những nhà lãnh đạo tận tụy là những người có thể “đi guốc vào trong bụng người khác” và nhận ra những giá trị tiềm ẩn trong từng nhân viên. Họ hiểu và đồng cảm với từng hoàn cảnh, vấn đề khó khăn mà nhân viên dưới quyền gặp phải. Những nhà lãnh đạo biết cảm thông và chia sẻ sẽ gây dựng được niềm tin bằng cách hiểu bất cứ tình huống nào mà nhân viên phải đối mặt.
Đặc tính chia sẻ là một kỹ năng thường xuất hiện một cách tự nhiên đối với một số người, nhưng nó đặc biệt phù hợp với những ai mơ ước trở thành một nhà lãnh đạo tận tụy.
3. Thiết lập niềm tin
Thiết lập niềm tin là một yếu tố quan trọng của một nhà lãnh đạo tận tụy. Những nhà lãnh đạo chân thật, trung thực và vô tư, không thiên vị trong mọi hành động của họ sẽ gây dựng được niềm tin từ phía các nhân viên trong công ty. Nếu như, bạn bị rơi vào một vụ bê bối nơi công cộng, thì hình ảnh một con người trung thực và chính trực của bạn sẽ bị hủy hoại dẫn đến việc các nhân viên, theo bản năng, sẽ giảm lòng tin đối với bạn. Vì vậy, sự trung thực và lương thiện là một đặc tính rất quan trọng của các nhà lãnh đạo.
Đối với một nhà lãnh đạo tận tụy, tính trung thực trở thành yếu tố sống còn, nó nuôi dưỡng niềm tin, sự cởi mở và tính chân thật ngày của các nhân viên với họ. Khi đó nhân viên sẽ trở nên có ý thức hơn với những cam kết và mục tiêu đối với tổ chức mà họ đang phục vụ.
4. Có khả năng thấu hiểu bản thân và mọi người
Mỗi người đều có trong tâm trí một hình ảnh về con người mình: trông như thế nào, dáng vẻ ra sao, sống vì cái gì và làm việc như thế nào. Vấn đề ở chỗ độ xác thực của hình ảnh đó đến mức nào. Có thể bạn nghĩ bạn là một người làm việc sáng tạo và hơi khác người, trong khi người khác lại cho bạn là một kẻ bừa bộn và không có đầu óc tổ chức, quản lý. Đâu là nhận xét đúng? Đâu là sự thực? Để nhận ra được điểm mạnh và điểm yếu, trước hết bạn phải nhận ra được vai trò của mình và cách mà bạn làm việc.
Có được khả năng nhìn thấu vào bên trong các sự việc một cách chính xác sẽ làm cho một nhà lãnh đạo tận tụy trở nên mạnh mẽ hơn. Khả năng nhận biết đối với chính bản thân mình, có thể khiến cho một nhà lãnh đạo tận tụy có những phản ứng nhạy cảm hơn đối với người khác. Từ kinh nghiệm nhận biết chính bản thân mình, nhà lãnh đạo tận tụy có thể dẫn dắt nhân viên tốt hơn bằng cách giúp họ phát triển và tìm kiếm khả năng nhận biết con người họ. Sự tự nhận biết bản thân cũng góp phần tạo ra cảm giác về tính chân thực trong mối quan hệ qua lại giữa lãnh đạo – nhân viên, đồng thời giúp nhân viên cảm nhận được rằng sự chân thành cũng như sự quan tâm của nhà lãnh đạo là xuất phát từ trái tim của họ.
5. Có tính cách chân thật
Để trở thành một người chân thật không dễ dàng chút nào, nhất là khi bạn phải làm việc trong một môi trường cạnh tranh và có vô số chướng ngại vật cản trở vai trò lãnh đạo của bạn. Trong môi trường cạnh tranh, bạn rất dễ vì những mục đích, mưu cầu cá nhân mà xuyên tạc những lời nói của người khác. Hoặc bạn cảm thấy rất gượng gạo hay ngại phải nói ra những ý nghĩ thực sự đang diễn ra trong đầu mình. Tất cả những lý do này là nguyên nhân khiến bạn khó trở thành một người chân thật.
Vì vậy để xây dựng nền tảng cho một sự lãnh đạo tốt đẹp, nhà lãnh đạo tận tụy phải thể hiện sức mạnh bằng cách chia sẻ và truyền tải một cách chân thành những suy nghĩ và tâm huyết của mình đối với công việc. Qua đó, tạo ra sự có mặt của tính chân thực trong mối quan hệ qua lại với các nhân viên, nuôi dưỡng sự lớn mạnh của lòng trung thành của nhân viên đối với công ty.
6. Có khả năng thuyết phục
Những nhà lãnh đạo tận tâm với công việc thường có xu hướng dựa vào sự thuyết phục, hơn là khẳng định vị trí quyền lực trong việc ra những quyết định. Họ tìm mọi cách để thuyết phục người khác, hơn là cưỡng bức hay ép buộc người khác phục tùng những mệnh lệnh của mình. Nguyên tắc hay thói quen này là một trong những đặc tính riêng biệt rõ ràng nhất giữa mô hình lãnh đạo độc tài truyền thống và mô hình lãnh đạo dựa trên sự tận tâm phục vụ công việc.
Những nhà lãnh đạo theo phương châm mới này tỏ ra rất có hiệu quả với việc xây dựng sự nhất trí trong các nhóm làm việc và tạo ra sự tin tưởng lớn hơn đối với các nhân viên trong công ty.
7. Có khuynh hướng và tư tưởng chia sẻ các suy nghĩ và quan điểm
Các nhà lãnh thuộc trường phái này thường thẳng thắn đưa ra các ý kiến của mình trong công việc và khuyến khích nhân viên có khuynh hướng giống họ. Người lãnh đạo tin tưởng rằng các nhân viên đều có những giá trị lớn hơn những đóng góp hữu hình mà họ vẫn nhìn thấy hàng ngày, nếu như biết khuyến khích họ thẳng thắn chia sẻ quan điểm và cách giải quyết các vấn đề trong công việc.
Chính vì vậy mà một nhà lãnh đạo được coi là tận tụy khi họ biết cách ủy thác trách nhiệm cho những nhân viên dưới quyền và coi trọng yếu tố tinh thần của mỗi cá nhân trong tổ chức. Họ luôn tìm cách xây dựng khuynh hướng chia sẻ công việc giữa các nhân viên trong công ty. Khi mục đích được chia sẻ, trong công ty sẽ có bầu không khí tôn trọng, ủng hộ lẫn nhau cũng như có được sự nhất quán chung trong toàn thể bộ máy.
Leave a Reply