Bí quyết để trở thành người giao tiếp thành công nhất
Nếu bạn đang “đóng kịch” nhưng lại khoác lên cái vẻ “giao tiếp nghệ thuật” thì sớm muộn gì cái giả sẽ lòi ra và hậu quả khôn lường. “Tôi rất mừng khi thấy càng ngày càng
“Một đôi nam nữ hẹn hò tối đến sẽ đưa nhau đi chơi. Khi chàng trai chạy xe tới bóp còi báo hiệu, cô gái hớn hở lao ra. Anh chàng khen ngợi: Hôm nay em đẹp quá! Không ngờ, cô người yêu xụ mặt xuống và bắt bẻ: Bộ mấy ngày trước em xấu lắm hả? Chàng trai “ngọng” luôn…”. Chuyên viên tư vấn (CVTV) Nguyễn Thu Hiên (thuộc Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội LHTN Việt Nam) đã bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng ví dụ trên để nhấn mạnh việc vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ phải đi học nói…
Theo bà Thu Hiên, đối với những ngành nghề dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn…, 70% thành công là nhờ giao tiếp tốt. Hơn nữa, giao tiếp là điều quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Giao tiếp thể hiện trong các buổi phỏng vấn, trong giao dịch, qua tiếp xúc với người thân, cộng đồng… là một trong những yếu tố quan trọng dẫn bạn đến thành công hoặc thất bại. Khi bạn không biết cách giao tiếp hoặc có thái độ ứng xử không thích hợp, người ta sẽ khó lòng hiểu đúng những gì bạn nói, thậm chí còn phản tác dụng.
Vậy, thế nào là người giao tiếp… dở? Bà Thu Hiên cho rằng, đó là những người thiếu tự tin, luôn ở thế bị động, tiếp xúc với người khác một cách miễn cưỡng, không thoải mái. “Phải nhìn nhận, không ít người Việt Nam đang bị hiện tượng “tảng băng tâm lý” chế ngự. Tức là, họ không muốn nói hoặc không biết cách nói lên những ý kiến, suy nghĩ của mình, gây hiểu lầm và thất vọng cho người đối thoại và cho cả bản thân họ” – bà Thu Hiên nhận xét. Đơn cử: trong trường hợp câu chuyện nói trên, nếu chàng trai biết cách giao tiếp giỏi hơn, có thể nói: “Hôm nay em đẹp hơn… hôm qua!”, và nếu cô gái kia nắm bắt tâm lý người yêu thì chắc chắn buổi hẹn hò của họ không bị nặng nề một cách… lãng xẹt!
Bà Thu Hiên khẳng định, để trở thành người giao tiếp giỏi không có gì khó. Điều quan trọng, người giao tiếp phải tự tin, phải thể hiện mình là người có văn hóa đồng thời biết nắm bắt mục đích, hoàn cảnh, tâm lý… trong từng hoạt động giao tiếp. Để đạt hiệu quả cao, người giao tiếp luôn cần có thái độ niềm nở chân thành, biết tôn trọng và lắng nghe người đối thoại. Ở đây, cần phân biệt sự chân thành với sự màu mè, kiểu cách. Nếu bạn đang “đóng kịch” nhưng lại khoác lên cái vẻ “giao tiếp nghệ thuật” thì sớm muộn gì cái giả sẽ lòi ra và hậu quả khôn lường. “Tôi rất mừng khi thấy càng ngày càng có nhiều bạn trẻ theo học những lớp giao tiếp. Thời gian gần đây, không ít cơ quan, xí nghiệp, nhất là những bệnh viện thường mời chúng tôi về truyền đạt kỹ năng giao tiếp để các cán bộ, công nhân viên của họ phục vụ người dân, bệnh nhân… tốt hơn. Theo tôi, khi giao tiếp tốt, hiệu quả giao tiếp không chỉ đem lại cho bản thân người giao tiếp mà còn tác động đến môi trường văn hóa chung của xã hội” – bà Thu Hiên chia sẻ.
Leave a Reply